Con đẻ, con nuôi, con ghẻ và Luật Di Trú.

Con đẻ!

Là con do chính mình đẻ ra. Nếu mình không đẻ trực tiếp thì mình cũng gián tiếp tạo ra, có thể là “trong 1 đêm không trăng không sao” hoặc có thể do thụ tinh ống nghiệm. Chung máu mủ.

Con nuôi!

Là con của người ta, không phải do mình đẻ ra mà mình nhận về nuôi thôi. Không chung máu mủ.

Con ghẻ!

Là con riêng của vợ hoặc chồng mình, được sinh ra không do mình là thủ phạm. Không chung máu mủ.

Đối với Luật Di Trú Mỹ có mấy điểm như vầy đối với con cái dưới 18 tuổi:

Con đẻ được ăn theo nhiều quyền lợi của cha và mẹ đẻ dù là con chính thức trong hôn nhân hoặc là con ngoài hôn nhân. Nếu cha hoặc mẹ là công dân Mỹ vào thời điểm con cái được sinh ra thì con cái nghiễm nhiên cũng là công dân Mỹ bất kể được sinh ra ở đâu, bất kể được sinh ra tại quốc gia nào. Ngay cả được sinh trong ống nghiệm, trên máy bay, trên tàu biển, trên tàu vũ trụ, trên khinh khí cầu… Con đẻ của thường trú nhân Mỹ nếu ở ngoại quốc thì được cha hoặc mẹ bảo lãnh vào Mỹ. Khi vào Mỹ rồi và đã có Thẻ Xanh thì con cái sẽ có thể xin quốc tịch Mỹ nếu cha hoặc mẹ đẻ trở thành công dân Mỹ.

Con nuôi được chỉ được công dân Mỹ nhận nuôi, phải trước khi 16 tuổi và phải sống chung 2 năm với cha hoặc mẹ nuôi trước hoặc sau khi được công nhận. Con nuôi được ăn theo nhiều quyền lợi của cha hoặc mẹ nuôi như con đẻ. Nếu cha mẹ nuôi là công dân Mỹ con nuôi có thể xin quốc tịch ngay sau khi được công nhận chính thức là con nuôi của cha mẹ nuôi mình. Tuy nhiên có 1 hạn chế đối với bản thân người con nuôi, khi lớn lên về mặt luật pháp họ không có liên hệ gì đối với cha mẹ đẻ và ạnh chị em ruột của họ nữa. Nghĩa là sau này khi lớn lên họ sẽ không được quyền bảo lãnh những người này qua Mỹ định cư.

Con ghẻ không được ăn theo quyền lợi về quốc tịch như con đẻ và con nuôi. Nếu con ghẻ được cha mẹ ghẻ bảo lãnh qua Mỹ lấy Thẻ Xanh thì mọi thủ tục và thời gian bảo lãnh sẽ tương tự như những trường hợp thông thường nhưng sau khi đã có Thẻ Xanh con ghẻ không được xin quốc tịch khi cha mẹ ghẻ trở thành công dân Mỹ mà phải chờ đến khi đủ 18 tuổi mới được thi quốc tịch.

Mọi quyền lợi di trú liên quan giữa con ghẻ và cha mẹ ghẻ chỉ diễn ra khi sự thừa nhận của pháp luật đối với mối quan hệ này xảy ra khi người con dưới 18 tuổi. Nếu người con đã trên 18 tuổi những quyền lợi này sẽ không được hưởng.

Những đề cập ở trên cũng chỉ liên quan đến trẻ em dưới 18 tuổi. Đối với trẻ em trên 18 tuổi Luật Di Trú sẽ được diễn giải trong những phần khác.

Advertisement
  1. Nga To
    24.07.2016 at 00:30

    “Mọi quyền lợi di trú liên quan giữa con ghẻ và cha mẹ ghẻ chỉ diễn ra khi sự thừa nhận của pháp luật đối với mối quan hệ này xảy ra khi người con dưới 18 tuổi. Nếu người con đã trên 18 tuổi những quyền lợi này sẽ không được hưởng.” có nghĩa là nếu trên 18 tuổi sẽ không được cha hay mẹ ghẻ bảo lãnh định cư cùng lúc với cha hay mẹ ruột mà phải đợi cha hay mẹ ruột có thẻ xanh rồi mới được phép bảo lãnh theo diện quy định

    • 24.07.2016 at 00:30

      Đúng rùi!
      Viết đúng nữa là:
      Trên 18 tuổi, luật không cho cha mẹ ghẻ bảo lãnh được mình nữa.
      Muốn đi Mỹ thì bằng những cách khác…
      Cha mẹ ghẻ bảo lãnh cha mẹ ruột hoặc em của mình rồi sau đó cha mẹ ruột hoặc em của mình sẽ bảo lãnh mình. Hoặc đi bằng đường kết hôn…

  2. Tâm
    17.08.2016 at 00:30

    Cảm ơn tác giả về bài viết. Cho mình hỏi nếu chồng mình (là công dân Mỹ) nhận 2 đứa con riêng của mình làm con nuôi khi còn ở Việt Nam, thì 2 con của mình có thể tự động trở thành công dân Mỹ khi sang đến Mỹ (theo diện chồng bảo lãnh vợ và 2 con riêng của vợ) hay là kể từ lúc được pháp luật công nhận quan hệ cha-con nuôi vậy?

    • 17.08.2016 at 00:30

      Theo như mình biết chồng bạn không nhận con riêng của bạn làm con nuôi được. Chỉ là quan hệ cha dượng con ghẻ thôi.
      Câu hỏi của bạn nêu ra 1 giả thiết hay thực sự chồng bạn đã nhận 2 nhóc làm con nuôi?

  3. Tâm
    18.08.2016 at 00:30

    Mình không biết luật bên Mỹ thế nào, còn ở VN thì luật mới từ 2010 cho phép (để khuyến khích) cha mẹ kế nhận con riêng của chồng/vợ làm con nuôi đó bạn (vì ý nghĩa nhân văn), kể cả nếu cha mẹ kế là người nước ngoài. Chồng mình từ hồi mới cưới đã ngỏ ý muốn adopt 2 con của mình rồi nhưng hồi đó mình nghĩ không quan trọng, hơn nữa bận nhiều việc nên không để ý đến chuyện đó nữa. Bây giờ mình bắt đầu quan tâm đến vấn đề nhập tịch của 2 con nên mới tìm hiểu thêm, và tình cờ tìm được trang của bạn. Mình rất thích trang web này của bạn, viết chân tình, gần gũi, dí dỏm và dễ hiểu :). Câu hỏi trên của mình là giả thiết thôi bạn, vì mình chưa hiểu rõ là chồng mình nên adopt 2 con từ bây giờ khi còn ở VN hay là đợi đến khi sang Mỹ làm thủ tục thì tốt hơn cho 2 con.

    • 18.08.2016 at 00:30

      Mình sẽ coi kỹ lại vụ này.
      Có điều thắc mắc là con ghẻ về mặt luật pháp nếu mối liên hệ xảy ra trước khi 18 tuổi mọi quyền lợi cũng như con ruột thì sao lại còn phải nhận con nuôi. Còn nếu đứa trẻ đã trên 18 tuổi thì đã đủ quyền công dân rồi đâu có cần ai cưu mang nữa?

    • 19.08.2016 at 00:30

      Bạn hiểu nhầm về “cha mẹ kế nhận con riêng của chồng/vợ làm con nuôi” rồi. Trường hợp đó không phải cứ muốn nhận là được mà phải hiểu là người cha ruột hoặc mẹ ruột đã mất hoặc còn sống nhưng không có khả năng nuôi dưỡng con vì bị mất năng lực hành vi dân sự, bị tâm thần này kia thì cha mẹ kế mới đứng ra nhận con nuôi. Còn nếu cha hoặc mẹ ruột vẫn khỏe mạnh và lấy vợ chồng kế vể rồi thì gia đình nuôi con vui vẻ thôi chứ đâu cần nhận con riêng của vợ chồng làm con nuôi cho phức tạp hóa mọi chuyện và đâu có cần thiết thêm thủ tục nhiêu khê và thừa.
      Nếu chồng kế của bạn là công dân Mỹ bảo lãnh vợ và con riêng của vợ đi Mỹ thì qua Mỹ rồi bạn có Thẻ Xanh thi quốc tịch sau 3 năm xong con nít sẽ ăn theo mẹ có quốc tịch luôn. Nếu như bạn nói chồng kế nhận con riêng của bạn làm con nuôi, thủ tục cũng lâu và công thêm thời gian bắt buộc phải sống với con nuôi 2 năm trước khi vô Mỹ thì cũng chẳng nhanh hơn bao nhiêu mà theo luật Mỹ cũng khó hiểu vì bạn đâu có bị gì đâu mà chồng kế phải nhận con bạn làm con nuôi? Giả dụ như bạn nói bạn không bị gì nhưng Luật của VN vẫn cho chồng kế của bạn nhận con riêng của bạn làm con nuôi thì bảo lãnh qua mỹ sẽ như thê nào? Cha mẹ ruột theo Luật Di Trú không còn liên hệ luật pháp gì với con ruột nữa sau khi cho nó làm con nuôi người khác mà bây giờ 4 người vẫn sống chung 1 nhà. Bạn là mẹ đẻ lại lấy cha nuôi của 2 nhóc làm chồng thì luật nó đá nhau à? Bạn vừa là mẹ đẻ của bọn nó lại vừa là mẹ nuôi của bọn nó à? Luật pháp nó phải hợp lý theo cuộc sống chứ không đá nhau vậy được.

  4. Tâm
    20.08.2016 at 00:30

    Cảm ơn bạn đã nhiệt tình tìm hiểu và chia sẻ thông tin. Chuyện này thực tình mình cũng chưa hiểu cặn kẽ, chỉ thấy luật VN nói cha mẹ kế nhận con riêng của chồng vợ là mang tính nhân văn nên luật khuyến khích, để những đứa trẻ không cảm thấy mặc cảm với quan hệ cha/mẹ – con ghẻ. Nói như vậy thì mình hiểu là ko cần là mình phải bị chuyện gì thì chồng mình mới được adopt con riêng của mình. Mà mình cũng thấy lạ là sao hồi mới cưới chồng mình lại đặt vấn đề adopt 2 đứa nhỏ nhà mình. Ảnh nói để sau này khi sang Mỹ (hoặc cả ở VN) anh có thể có đầy đủ tư cách pháp nhân đối với mấy con trong trường hợp mình vắng mặt, như là ký giấy tờ xin cho con học, nhập viện,… Còn vụ phải sống hơn 2 năm với mấy con thì không sao, vì từ hồi cưới đến giờ chồng mình sống cùng 3 mẹ con ở VN mà, cũng hơn 2 năm rồi. Giờ nghĩ đến chuyện qua Mỹ là để lo cho 2 đứa nhỏ học hành. Mình thì chưa đọc luật bên Mỹ nên không biết thế nào bạn à. Mà đọc thì chắc cũng đau đầu lắm đó :).
    Lý do mình hỏi về chuyện adopt con riêng là vì mình lo xa, sợ khi qua Mỹ mà chưa thu xếp được mọi công việc ở VN thì thường đi đi về về, nhỡ xui rủi thế nào lại bị Mỹ thu mất quyền thẻ xanh thì không biết con gái mình (8 tuổi) có bị liên lụy theo mẹ không, nghĩa là cũng bị mất thẻ xanh theo mình luôn thì sao (?). Làm lại giấy tờ thì thường là nhiêu khê và cũng không chắc kết quả luôn tốt, nên mình lo. Nếu chồng mình adopt được cháu thì cháu có thể được nhập tịch theo anh ấy liền hay không? Mình cứ băn khoăn như vậy đó bạn.

  5. Tâm
    20.08.2016 at 00:30

    À, thông tin về chuyện cha mẹ kế không được adopt con riêng của vợ/ chồng như bạn nói thì mình thấy cũng có lý, mình sẽ tìm hiểu thêm khi nào có thời gian và điều kiện. Nếu bạn có thông tin gì về chuyện nhập tịch cho trẻ em (như trường hợp sẽ hay đi đi về về như mình và con gái 8 tuổi) thì tư vấn dùm mình với nhé. Còn con trai của mình thì 17 tuổi rồi nên nếu sang Mỹ thì chắc sẽ đợi thêm 3-5 năm nữa để thi nhập tịch.

    • 20.08.2016 at 00:30

      Lo xa quá!
      Con nít vượt biên giới lậu vào Mỹ còn chưa sợ nữa mà có Thẻ Xanh thì sợ gì.
      Đi đi về về VN tới lúc không được nữa nhân viên CBP ở phi trường họ sẽ báo cho mình thôi. Lúc đó thì mình điều chỉnh cũng không muộn ah…

  6. Vũ Thị Kim Thoa
    22.11.2016 at 00:30

    Xin cho hỏi chút ạ. Năm 2002 bạn trai tôi (quốc tịch Mỹ) làm thủ tục bảo lãnh cho tôi theo diện fiancee, trong thời gian chờ đợi tôi đã có bầu và sinh con năm 2003. Giữa năm 2003 tôi nhận được thư mời phỏng vấn để cấp visa nhưng trước ngày phỏng vấn tôi lại nhận được thư của tổng lãnh sự Hoa Kì tại Việt Nam gửi, nội dung là huỷ cuộc phỏng vấn. Vì thời gian đó bạn trai tôi đã kết hôn với người phụ nữ khác tại Mỹ. Từ đó tới nay ( con gái tôi hiện đã 13 tuổi) nhưng cha của bé không hề liên lạc và không có một chút trách nhiệm hay phụ cấp để nuôi con. Tôi muốn hỏi, tôi có thể làm gì để đòi hỏii quyền lợi cho con gái tôi không ạ? Làm ơn giúp mẹ con tôi, mong sớm nhận được phản hồi. Trân trọng cảm ơn!

    • 22.11.2016 at 00:30

      Trước mắt liên hệ hỏi Lãnh Sự Quán Mỹ về vụ việc và nhờ họ giúp đỡ đòi quyền lợi cho con mình ci họ nói sao…
      Không thấy nói khai sinh em bé là sao? Tên cha để thế nào?
      Ở Mỹ có những văn phòng luật sư hay làm mấy vụ này miễn phí để bắt mấy người cha xấu phụ cấp cho con ngoài giá thú…

  1. No trackbacks yet.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: