Tham quan Tòa Án Di Trú Mỹ.

Vụ tham quan Tòa Án Di Trú của lão Thông Hành không phải là cố ý. Bữa đó Thông Hành lên tòa nhà hành chính Kennedy để lấy mấy form khai thuế. Khi tìm lối lên thang máy thấy có bảng chỉ dẫn Tòa Án Di Trú nằm ở lầu 3 nên Thông Hành đã tự nhủ là xong vụ mấy tờ khai thuế sẽ ghé vào lầu 3 cho biết Tòa Án này nó dư thế nào.

Tò mò là nghề của chàng!

Thêm nữa tham quan nơi này cũng là để trau dồi thêm hiểu biết về di trú.

Thêm nữa là biết cách thức của Tòa rủi mai mốt có xui xẻo bị lôi ra chốn này thì ít nhiều cũng có kinh nghệm cho khỏi khớp!!!

Luật của Mỹ không cấm người ta tham dự  các phiên xử của tòa án nên ai muốn tham quan cho biết thì cứ việc chui vào.

Như đã nói, Tòa Di Trú nằm ở trọn lầu 3. Đây là nói về Tòa Di Trú ở thành phố Boston thủ phủ của tiểu bang Massachusetts. Tòa Án này nằm trên đất Boston nhưng là 1 cơ quan của liên bang chứ không phải của tiểu bang. Tòa nhà hành chính liên bang 26 tầng mang tên Tổng Thống Kennedy nằm tại số 15 đường New Sudbury gần City Hall Boston ở downtown. Hệ thống chính quyền của Mỹ đại để giống nhau nên chắc Tòa án ở bang nào cũng hoạt động giống nhau lun???

Cũng nói rõ là Tòa Án Di Trú trực thộc Bộ Tư Pháp Department of Justice, chuyên xử các vụ án liên quan đến di trú. Tức là tất cả các vụ như  cư trú bất hợp pháp, vượt biên nhập cảnh bất hợp pháp rồi đi làm không có giấy phép và kết hôn giả… đều thuộc dạng này.

Và bổ sung thêm là ngay phía trên của Tòa Di Trú, phía trên lầu 4 là Văn Phòng Công Tố Viên thuộc Bộ An  Ninh Nội Địa Department of Homeland Security. 2 cơ quan này luôn nằm kế bên nhau như vậy và phối hợp rất nhịp nhàng. Tòa án di trú thì chuyên ra lệnh bắt hoặc tuyên án đối với các bị cáo phạm tội di trú còn Văn Phòng Công Tố Viên của Bộ An Ninh Nội Địa thì chuyên theo sát các động thái của Bộ Tư Pháp để đốc thúc và chỉ đạo các lực lượng chuyên trách như cơ quan Immigration and Customs Enforcement Service ICE thi hành các lệnh và các bản án của Tòa Án này…

Khi lão Thông Hành đột nhập xuống lầu 3 thì thấy có tổng cộng 8 phòng xử lớn bé khác nhau. Phòng nào cũng đóng cửa kín mít nhưng lão Thông Hành bản tính “điếc không sợ súng” nên cứ việc mở của thò đầu vào ngắm nghía. Cuối cùng lão chọn phòng số 8 để thị sát vì phòng này có vẻ lớn hơn mấy phòng kia cho nên ghế ngồi cũng dư dư hơn.

Lúc đó Chánh Án bắt đầu thủ tục xử và điều bất ngờ là không thấy nhân viên bảo vệ Tòa Án trong phòng. Chỉ thấy nhân vật này 1 lần khi ông ta hộ tống Chánh Án vào phòng xử và hô to “All right!”, tất cả đứng lên! Sau này Thông Hành mới được biết xử án di trú thường thì các bị can vẫn tại ngoại sinh sống bình thường. Làm gì thì làm cứ đúng ngày đúng giờ có mặt trình diện Tòa, chỉ những trường hợp vi phạm nặng bị cho là gây hại mới bị cảnh sát chế tài, bị bắt nhốt tù và ra Tòa luôn có cảnh sát đị kèm. Bởi vậy nên Tòa Án cũng thoải mái như một cơ quan nhà nước bình thường thôi chứ không cần thiết phải có đông đúc cảnh sát hiện diện như trong xi nê. Nhân viên bảo vệ sau khi dẫn ông Chánh Án vào phòng rồi thì bước ra liền chứ không ở trong phòng và nguyên cả tầng 3 thấy chỉ có vài ba người bảo vệ quán xuyến phía ngoài chứ không nhiều.

Điều bất ngờ nữa là Thông Hành thấy các bị can hơi bị đông, người ở trong phòng xử và kẻ ở ngoài hành lang giống như trong một kỳ thi vấn đáp vậy . Phòng xử khá lớn so với các phòng khác nhưng theo hình dung của Thông Hành lâu nay thì nó vẫn bé bé chứ không rộng rãi oai phong như trong mấy phim Mỹ mình hay coi. Chiều ngang của căn phòng khoảng 10m, chiều dài chắc độ 13m. Phía trước trên bục là ghế của Chánh Án nằm chính giữa. Sau lưng của ông là tấm triện của Tòa Án Di Trú, Bộ Tư Pháp và lá cờ Mỹ đặt kế bên. Bên phải Chánh Án có bàn của 1 cô phiên dịch tiếng Tây Ban Nha. Bên trái là bàn của thư ký Tòa. Phiên dịch thì ngồi không thỉnh thoảng hình như có bấm điện thoại nhắn tin (?) vì chẳng có mấy việc làm. Còn Thư Ký thì bận rộn nhiều hơn. Chánh Án mặc áo thụng đen nhưng không đội tóc giả như bên mấy tòa án của Hongkong. Trong phòng xử thấy có đủ các phương tiện hỗ trợ. Bàn của Chánh Án và Thư Ký thì có computer ngay trước mặt. Chánh Án làm việc cứ miệng nói tay click chuột lôi ra đủ những thông tin cần thiết, chéo bên tường là một màn hình ti vi lớn để coi chứng cứ khi cần thiết và trong phòng có đủ micro và thiết bị ghi âm lại vụ xử.  Phía dưới đối diện với bục của Chánh án có bàn dành cho bị can và luật sư biện hộ, nối dài theo bàn này cách một khoảng là bàn của luật sư công tố.  Sau lưng của mấy người này là một hàng rào gỗ để ngăn cách với cử tọa bên dưới. Các hàng ghế của cử tọa cũng không nhiều, tổng cộng 3 dãy ghế và mỗi dãy có 3 ghế dựa dài. Các bị can chờ đến lượt để lên trước mặt Chánh án thì ngồi trên mấy ghế này và mấy vị luật sư cùng người tham dự cũng ngồi chung luôn ở đây.

Nói người tham dự nghe có vẻ nhiều chứ thực ra có mỗi lão Thông Hành thôi!

Mà Thông Hành đi tham quan nhưng nào ai biết được vì nhìn mặt mình gian gian chắc ai cũng nghĩ mịnh cũng là một bị can như họ hoặc là thân nhân của các bị can chứ xứ Mỹ chắc không mấy ai rảnh và nhiều chuyện như Thông Hành vào đây nghiêng ngó.

Sự bất ngờ nữa nữa Thông Hành thấy là Tòa Di Trú xử án giống như đang chích ngừa cho người dân vậy.

Tức là xử rất là nhanh.

Bữa đó Tòa đang xử theo lịch gọi là “Master Calendar Hearing”. Hiểu nôm na là các bị can trình diện Tòa lần đầu. Thông Hành xem danh sách xử của phòng số 8 thấy tổng cộng 30 bị can có tên. Vì đông vậy nên Thông Hành ngồi được 1 lúc thì bị Thư Ký đuổi ra.

Thư Ký đã nói như vầy:

– Vì số người đông quá nên Tòa mời những bị can nào có luật sư thì ngồi lai cùng với luật sư của mình còn ai không có luật sư thì Tòa mời ra ngoài chờ xử sau chứ không đủ chỗ ngồi cho tất cả mọi người (và cũng không đủ không khí để thở!).

Ra ngoài cũng có cái hay là Thông Hành có thể lân la hỏi chuyện mấy người bị can.

Bị can đông như vậy nhưng đa phần là dân gốc Mỹ Latin, nói tiếng Tây Ban Nha. Tức là dân từ Mexico, Columbia, El Sanvador, Guatemala… Không thấy dân Châu Á là mấy và cũng không thấy người Việt Nam nào cả.

Khi ngồi dự khán lúc đầu Thông Hành thấy Thư ký kêu tên bị can lên trên và mỗi người thường chỉ ngồi khoảng 3 đến 5 phút thôi.

Ngày xưa thời Tam Quóc bên Tàu nghe nói Trương Phi được cử đi bắt Bàng Thống nhưng khi tới Huyện Đường nơi Bàng Thống làm việc thấy ông này xử một lúc 5 vụ  đâu ra đấy nên Trương Phi bị khớp trước bậc kỳ tài và đã không dám bắt Bàng Thống, phải trở về tay không. Bây giờ nhìn quan tòa của xứ Mỹ xử án còn nhanh ác liệt hơn Bàng Thống cả chục lần thật muốn ngưỡng mộ. Đại để Chánh Án hỏi bị can được kêu lên là tên Nguyễn Văn Xoài phải không? Ở địa chỉ xóm Dừa xóm Mít? Bị can bị buộc tội vậy vậy… Bị can cứ việc ngồi im như cục đá, chỉ có luật sư trả lời hộ. Xong mấy câu thăm hỏi cho biết nhau đâu đấy thì Chánh Án hẹn ngày để bị can quay trở lại Tòa rồi Thư Ký đưa tờ thông báo ngày giờ gặp lại Tòa cho các bên. Bị can 1 tờ, Công Tố Viên 1 tờ. Ngoài ra còn đưa thêm mấy mẫu “”Thông báo cho Tòa biết thay đổi địa chỉ” để đảm bảo nhà nước luôn theo dấu của họ. Nếu sau này các bị can không trình diện tại Tòa sẽ bị kết tội coi thường Tòa Án và sẽ bị ra lệnh bắt nhốt liền. Chánh Án còn nói với bị can là “have good day”, chúc một ngày tốt lành!

Xử nhanh như vậy nên 30 bị can cũng chỉ 1 loáng buổi sáng là xong. Đó cũng là vì thể thức Master Calendar Hearing nó nhanh như vậy chứ sau này gặp lại Tòa trong bước kế tiếp là Personnal Hearing thì sẽ có tranh cãi và đi sâu vào vụ việc thì thời gian cũng sẽ lâu hơn.

Thông Hành có tính tò mò thì có cái hay là có chuyện để kể chứ mấy ai ra Tòa thích kể lại chuyện của mình ở chốn công khai.

Tham quan Tòa Di Trú đúng thực là có thấy mới tin Tòa Di Trú của Mỹ nhân đạo vô cùng. Chánh Án xử rất có tình có lý và cao thượng vô cùng vô cùng.

Như trường hợp của 1 bà hơi già bị ra Tòa vì qua Mỹ du lịch thăm con gái xong ở lại lâu quá hạn được luật sư giải thích là do con gái sinh em bé nên bà ở lại phụ nuôi cháu với con. Vậy là Tòa cho về phụ nuôi em bé tiếp, hẹn 1 năm sau lên gặp lại Tòa rồi lúc đó mới tính.

Còn 1 cậu sinh viên không lo học mà suốt ngày trốn học đi làm kiếm tiền nên bị cảnh sát tóm đã được luật sư đã khể khổ vì túng thiếu quá nên mới phải đi làm thêm, xin Tòa cho phép được đi học tiếp. Chánh Án cho về đi học và hẹn đến tận năm 2015 mới phải lên trình diện với Tòa cùng với kết quả học tập, tức là tới 3 năm sau lun!

1 anh trai khác bước lên được Tòa nói là đã nhận được đơn của anh ta gửi trước đó xin gia hạn thời gian ra Tòa để có tiền thuê luật sư  và cho anh ta thời gian 1 năm sẽ gặp lại cùng với luật sư đi cùng.

1 cậu người Columbia cũng nằm trong nhóm những người không có luật sư đã rất là lỳ.  Không những đã không có luật sư mà còn chỉ đi cái mạng chành chứ chẳng có người quen nào đi theo hộ tống cả. Hắn nói đi làm ít tiền quá nên không đủ tiền mướn luật sư và xin Tòa chấp nhận cho khỏi cần luật sư lun! Ông Chánh Án nói hắn sao không đến mấy luật sư miễn phí. Hắn nói là có đến mấy chỗ đó nhưng chẳng có luật sư nào đi ra Tòa với hắn đươc vì họ chỉ là luật gia chứ không phải luật sư, tức là họ chỉ có thể tư vấn luật được cho hắn thôi chứ không có giấy phép hành nghề để ra trước Tòa. Chánh Án nói cho hắn 1 năm, muốn làm gì thì làm và năm sau nhất định phải có luật sư đi kèm chứ Tòa không muốn cãi tay đôi mang tiếng ăn hiếp người đơn thân như hắn và nói hắn đừng có kèo nhèo nhiều với Tòa Án cứ y vậy mà tuân thủ…

Qua vụ tham quan vụ Master Calendar Hearing của Tòa Di Trú và cả những lần tìm hiểu những vụ Personnal Hearing những lần sau thì Thông hành có vài kết luận như ở dưới và cũng nói rõ thêm là những kết luận này không phải để vẽ đường cho hươu chạy nhằm giúp mọi người tìm cách né tránh luật pháp Mỹ mà chỉ đưa ra những ý kiến khách quan về những gì  đang xảy ra hàng ngày đúng người đúng việc trên đất Mỹ:

1. Quá trình ra Tòa là 1 quá trình rất dài chứ chẳng phải ra Tòa là bị trục xuất ngay như nhiều người vẫn nghĩ. Lâu nay nhiều người Việt Nam trên đất Mỹ được Cục Di Trú gửi giấy thông báo hoặc nghe nói bằng miệng sẽ bị trục xuất vì vi phạm Luật Di trú thì ai cũng sợ xanh mặt và lo mua vé máy bay về Việt Nam liền như tận thế tới nơi nhưng không phải như vậy. Cục Di Trú đưa thông báo đương sự có thể bị trục xuât thì đó chỉ là 1 thông báo mà thôi. Cục Di Trú thông báo và có thể thi hành trục xuất người ta nhưng không thể ra 1 lệnh trục xuất 1 người đang sống trên đất Mỹ. Ra lệnh như vậy là quyền của Tòa Án Di Trú. Cục Di Trú chỉ thực hiện lệnh này chứ không có quyền ra lệnh truc xuất. Quá trình trục xuất có thể kéo dài mấy năm là chuyện rất thường và có khi kéo dài hoài hoài. Nghe nói có vụ người ta được ở nước Mỹ dây dưa tới cả 20 năm…!!!

2. Trong quá trình trục xuất bị can có thể câu giờ và tìm cách thay đổi sự trục xuất theo đúng tinh thần nhân đạo và rất cao thượng của Luật pháp Mỹ. Nước Mỹ tôn trọng con người nên họ luôn cho người ta cơ hội để bấu víu hết cơ hội này đến cơ hội khác hết cơ hội khác đến cơ hội khác nữa… cho đến khi bị can thuộc loại hết thuốc chữa nước Mỹ mới ra tay độc thủ. Giả dụ như việc bị can có thể xin gia hạn thời gian để kiếm tiền thuê luật sư. Khi Luật sư xuất hiện ông này lại xin gia hạn để có thời gian kiểm tra tài liêu hoặc chuẩn bị tài liệu, hoặc đương đơn bị bịnh có giấy chứng nhận của bác sỹ. Chưa kể trong cả quá trình dài như vậy có người sẽ kêt hôn có vợ có chồng có con cái và trở thành trụ cột chính của gia đình họ thì nhà nước cũng vô phương “không dám” đụng tới luôn. Nếu họ không kết hôn mà có thân nhân là công dân Mỹ hoặc là thường trú nhân thì việc trục xuất họ cũng làm tổn hại đến tình cảm ruột thịt của người ta. Xa cách đau buồn làm cho thân nhân ở Mỹ mất niềm vui sống mất năng suất làm việc đâu thể kiếm tiền nhiều đóng thuế cho quốc gia? Hoặc không có thân nhân nhưng họ đã làm việc lương thiện và đóng thuế đầy đủ thì cũng góp phần của họ cho sự phát triển của nước Mỹ thì nước Mỹ luôn ghi nhớ và có sự châm chước rất phân minh và hào phóng.

3. Ra Tòa phải có luật sư! Nhiều khi vụ việc đã rõ ràng thì luật sư cũng chẳng giúp được gì mấy nhưng có luật sư thì Tòa không bị mang tiếng ăn hiếp các bị can đơn thân  không có hiểu biết về luật pháp. Thêm nữa luật sư nói chuyện trực tiếp với Tòa khỏi cần phiên dịch khỏi mất thời giờ và tốc độ làm việc của Tòa. Tập quán luật pháp của nước họ là vậy. Rồi luật sư được mướn thì sẽ có thu nhập, có đóng thuế cho nhà nước và nhà nước mới có tiền trả cho mấy ông Chánh Án chứ chẳng thể bắt nước Mỹ móc tiền túi ra trả lương cho mấy vị thẩm phán đi làm không công xử mấy người nhập cư lậu. Cho nên nếu bị can không bị tàn tật thì phải cố gắng làm việc cho có tiền lo luật sư theo đúng câu “tay làm hàm nhai” chứ đừng mong ngồi chờ sung rụng chằm hăm nhờ luật sư miễn phí giúp mình.

4. Khi Tòa Án gia hạn xử thì theo luật thường là từ 45 đến 60 ngày nhưng do lượng người bị ra Tòa quá đông nên sự gia hạn thường kéo dài cả năm có khi vài năm. Nhất là ở những tiểu bang xa biên giới Mexico thì còn đông hơn nữa, như vùng New England luôn tự coi là tôn trọng nhân quyền cao nên họ rất thoáng đối với những dân nhập cư.

5. Cố gắng sống lương thiện đừng phạm tội vì khi phạm tội thì bị can thêm cái án hình sự và bị coi là gây hại và gây nguy hiểm cho nước Mỹ nên Tòa Di Trú có muốn giảm nhẹ cho các bị can cũng không được. Khi phạm tội hình sự thì phải có thân nhân để họ giúp đỡ. Muốn thân nhân giúp đỡ thì trước khi bị tù phải sống đàng hoàng đặng được thân nhân thương. Còn nếu sống mà bị “chúng” ghét thì khi sa cơ kể như mạt rệp lun vì dẫu có ra khỏi nhà tù hình sự thì nhà tù di trú cũng chờ sẵn để tống mình vào. Phạm tội di trú thì nhẹ hơn tội hình sự. Nhẹ nhất là vi phạm Luật Di Trú do ở lại quá hạn hoặc sinh viên trốn học đi làm. Mấy tội này rất “con người” nên ai cũng dễ phạm. Nhưng những tội như kết hôn giả hoặc vượt biên giới trái phép thì nặng hơn. Tuy nhiên cũng vẫn có thể hiểu được vì con người ta ai cũng muốn mưu cầu cuộc sống tốt hơn, nước Mỹ mà nghèo như Somali thì ai thèm vượt biên vào. Nhưng phạm tội hình sự rõ ràng là khác hẳn, mấy tội này thuộc về tư cách con người tốt – xấu làm hại cộng đồng. Thoát khỏi nhà tù hình sự bị giam vào nhà tù di trú có khá nhiều người bị vô thế. Vào nhà tù di trú nhưng lại  không bị trục xuất về Việt Nam vì nước mình bị Mỹ coi là 1 quốc gia không tôn trọng nhân quyền nên họ không dám trục xuất mình về. Lúc đó thì bị can bị mắc vô thế kẹt vì ra khỏi tù thì không được do là thành phần gây hại cho xã hội. Trục xuất thì nước Mỹ cũng chẳng chịu tiến hành trong khi mình tự nguyện trục xuất lại không có tiền tự lo chi phí vé máy bay… Mượn tiền thì chẳng có thân nhân để mà mượn.. 

Trước mắt có vài điều về việc tham quan Tòa Án Di Trú như vậy.

Nếu sau này có thêm ý gì Thông Hành xin bổ sung tiếp.

Advertisement
  1. Trang Trần Thuỳ
    07.11.2013 at 00:30

    test

    • Trang Trần Thuỳ
      07.11.2013 at 00:30

      sorry anh, e k rành sử dụng các trang này nên mới test xem phản hồi này có bị public không thôi ạ. vì có một số thông tin e muốn hỏi anh mà ngại k muốn public nên test xem sao. anh có địa chỉ email cá nhân không ạ.

      • 07.11.2013 at 00:30

        Mấy câu trả lời trước cho mọi người anh cung cấp e-mail và số điện thoại rùi đó em.

      • 07.11.2013 at 00:30

        Liên lạc với anh nè: thanhhong0070@yahoo.com
        0903623813
        6179639025

  2. 07.11.2013 at 00:30

    Em coi “Các loại hình trục xuất theo Luật di trú của Mỹ” có thể có nhiều thông tin như em muốn hỏi đó.

  1. 23.10.2014 at 00:30

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: