Home > Thư viện - Tư liệu, Uncategorized > Trường không tan em cũng về?

Trường không tan em cũng về?

Hôm rồi mình mơ thấy thời còn đi học với đám tiểu quỷ. Thấy lại cả bọn lóc chóc hát bài hát xưa của thời trốn học. Không hiểu sao lại mơ thấy cảnh ngày xưa ấy mà không phải những cảnh vui thú khác. Đâu ai quyết định được giấc mơ nhỉ?

Cái bài hát đó một thời ham chơi lũ học trò hư hát hoài không chán…

Nghĩ lại kỷ niệm xưa thì bổi hổi bồi hồi nhưng thú thật là cũng hơi mắc cỡ

Chẳng hiểu sao lúc nhỏ lại lười học thế?

Chuồn học lông bông hoài cũng đâu phải vui lắm đâu?

Em tan trường về

Trường tan em về

Em tan trường về

Trường không tan em cũng về

Em tan trường về

Em về trường tan trường ơi…

Nói thật lòng mình nghe bài hát này nhiều lần do nhiều ca sỹ hát nhưng khó thấy ai hát hay hơn lũ bọn mình hồi đó(?)

Khi còn học phổ thông thì hát nhiều hơn lúc lên đại học vì thời đó chuồn học ác liệt, dạng học sinh cá biệt mà.

Mình nghe mọi người nói Thái Thanh hát hay nhưng sao nghe khó vô quá nhất là bài này. Giọng Thái Thanh hát theo kiểu cổ cao ngất trời mà lại luyến láy nhiều nên hay là hay mấy bài dạng cổ điển như “Dòng Đa nuýp xanh”, “Tình ca”, “Kỷ vật cho em”… Còn hát “Ngày xưa Hoàng Thị” nhí nhảnh, tự sự kiểu học trò rõ ràng là không hợp.

Thanh Lan cũng hay được nhắc với “Em tan trường về” nhưng mình thấy cũng không hay, hát đãi giọng nghe nhiều đoạn “nhão” quá.

Đức Tuấn thì như khoe giọng có học thanh nhạc bài bản

Ý Lan thì kể lể thấy phát mệt.

Rồi Loan Châu với Thanh Trúc hát cũng trẻ trung nhưng có Quang Dũng xen vào tuy giọng hay nhưng hết tuổi teen rồi mà “làm điệu” nhiều quá nên cũng chẳng hợp với tinh thần của bản nhạc.

Nghe mãi mới thấy có Đoan Trang hát trong chương trình “Ngày trở về” của Phạm Duy là gần như hoàn hảo.

Đoan Trang đi hát đã lâu nhưng chẳng nổi là mấy vậy mà hát “Ngày xưa Hoàng Thị” hay không ngờ. Thật là “ngạc nhiên chưa!”

Chắc do bản nhạc toàn đặt lời câu 4 chữ nên khi hát không cần dài hơi, tức là chỉ cần xử lý ca từ chứ chẳng quan trọng âm vực rộng và dày… Cứ 4 từ rồi ngắt do vậy hát tròn tiếng và hơi nhí nhảnh, trẻ trung là chuẩn. Khoản này thì Đoan Trang vốn rất mạnh!

Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ

Em tan trường về

Đường mưa nhỏ nhỏ

Ôm nghiêng tập vở

Tóc dài tà áo vờn bay…

Sau này có hai chị em Phương Vy, Phương Trang hát cũng khá hay. Khen cho Phương Trang chưa được biết tiếng mấy mà hát tròn trịa, mượt mà chân chất giọng học trò rất rung cảm…

“Ngày xưa Hoàng Thị” là bài thơ của Phạm Thiên Thư. Ông viết về kỷ niệm tuổi học trò trong một hồi ức 10 năm nhìn lại những ngày trường cũ bạn xưa và những ngày tan học theo chân một cô gái về chung trên những con đường của khu Tân Định, Đa Kao xưa. Khi đó ông vẫn là một tu sỹ trong chùa chứ chưa hoàn tuc nên thơ của ông đa phần thấm đẫm tinh thần Thiền và Phật. Riêng bài thơ này vẫn đầy chất đời thường dù hơi man mác một nỗi buồn bình lặng. Chắc do vậy mà nhiều người nói thơ của ông là thơ của người tu hành nhưng vẫn hướng về cõi tục?

Theo như ông kể thì cái thưở theo cô Hoàng Thị Ngọ đó chỉ là một nét chấm phá của một sự cảm mến tuổi mới lớn chứ không có gì sâu đậm. Khoảng năm 1957- 1958 đó cả hai người đều học lớp đệ tam (tức lớp 10 bây giờ). Cô đó tên Ngọ là vì sinh tuổi Ngọ,1942. Tác giả đánh mất chữ Ngọ đi có lẽ chỉ để “Ngày xưa Hoàng Thị” nghe nên thơ hơn. Mình cũng rành đường xá của khu Tân Định, Đa Kao nên khi hình dung theo bài thơ mình thấy khung cảnh khá cụ thể trong tâm tưởng. Trường hai người học hồi đó là trường Văn Lang nằm trên đường Trần Quý Khoánh. Bây giờ vẫn để tên cũ cho cả trường và đường. Khu này trước 1975 mang tên các anh hùng dân tộc nên không bị đổi như những khu khác của Sài Gòn. Tân Định, Đa Kao người Bắc di cư năm 1954 ở rất nhiều. Bản thân hai nhân vật chính cũng là gốc Hải Phòng, Hải Dương. Nhà của tác giả ở Trần Khắc Chân còn nhà của cô nữ sinh Ngọ trên đường Trần Quang Khải. Sài Gòn hồi đó rõ ràng vắng vẻ hơn bây giờ nhiều nên đi bộ vẫn còn ung dung và lãng mạn lắm. Nghe nói khu Đa Kao ngay cầu Bông vẫn còn xe ngựa đứng chờ khách nữa kìa. Ai đang sống ở Sài Gòn hẳn biết Trần Quý Khoánh nằm giữa đường Đặng Tất và Trần Khánh Dư, song song với Trần Quang Khải. Đi từ Yên Đổ (Lý Chính Thắng bây giờ) vào Trần Quang Khải sẽ gặp Trần Nhật Duật rồi tới Trần Khắc Chân. Nếu hai người học trò xưa đó mà đi bộ từ trường về nhà hẳn cũng đủ để có bao kỷ niệm. Thảo nào mà dễ có ý thơ cho “Anh đi theo hoài gót giày thầm lặng…” của Phạm Thiên Thư.

Nhưng đối với những người sống ở những vùng khác có lẽ câu chữ trong bài thơ dẫn dắt người đọc đi xa hơn những con phố Sài Gòn ngày đó.

Có lẽ khung cảnh sẽ rất đa dạng theo ký ức thưở học trò của mỗi người mỗi nơi Nha Trang, Đà Lạt, Biên Hòa…

(Mình cũng muốn chú thích thêm về con đường Trần Khắc Chân của nhà thơ Phạm Thiên Thư vẫn được dân Đa Kao cố cựu gọi là xóm Cầu Mới. Nhiều người không còn trẻ sống ở đây cũng như một số dân Đa Kao định cư ở nước ngoài hay thắc mắc là đâu thấy cây cầu mới nào quanh đó mà gọi tên xóm là như vậy. Năm 1941 cầu Trương Minh Giảng (Cầu Lê Văn Sỹ) được xây nên dân cư ở đây được gọi là dân Cầu Mới. Sau đó có một số người dọn xuống khu Đa Kao ở nên cũng được gọi luôn là “dân xóm Cầu Mới chuyển xuống” rồi chết tên luôn. Chữ “xóm” nghe cũng đặc Bắc Kỳ nhỉ?)

Nghe bản nhạc của Phạm Duy rồi quay lại bài thơ của Phạm Thiên Thư mới thấy cái tài của người nhạc sỹ khi thổi thêm làn gió mới vào những vần điệu. Lời thơ tuy đã hay nhưng có vẻ hơi buồn và hơi mất đi sự hồn nhiên của tuổi học trò còn bài hát vừa trẻ trung vừa nhí nhảnh nghịch ngầm đúng kiểu cách lũ nhất quỷ nhì ma. Phạm Duy khi phổ nhạc cũng đã sửa lời khá nhiều làm bài hát sống động hơn. Về chuyện tình cảm nhạc sỹ Phạm Duy là một tay hào hoa đa tình nên việc thổi hồn mới cho bài hát vừa vừa trong sáng kiểu học trò không chê vào đâu được. Trước khi được phổ, những lời thơ ấy có lẽ chỉ nổi tiếng đối với những người yêu thơ. Nhưng khi những nốt nhạc “Xưa tan trường về” vang lên thì ở miền Nam hầu như ai cũng từng biết về nó. Sau này đối với lũ quỷ ham chuồn học một thời như mình thì khỏi phải nói “Trường không tan em cũng về” đều đều.

Chỉ tiếc một trong hai nhân vật chính là cô Ngọ ngày xưa không hề thấy lên tiếng. Miền Nam trải bao can qua không chắc người xưa còn hiện hữu trên đời này. Có lẽ cô đã thiệt mạng trong thời chiến tranh loạn lạc hoặc cô là một thiếu nữ yểu mệnh đã bị bệnh tật nào đó mà từ giã cõi đời quá sớm hay chăng? Và hẳn cô cũng không hề biết trên đời này có một bài thơ và một bản nhạc bất tử theo thời gian gắn liền với tên tuổi của cô cùng một thời học trò trong trắng.

Ở miền Nam là vậy còn ngoài Bắc học trò có hay hát bài này không nhỉ?

Miền Bắc của một thời  “bao cấp” đâu có du nhập kiểu lãng mạn tiểu tư sản để bài hát được phổ biến?

Mình sống ở miền Nam lâu năm hơn ngoài Bắc nên chẳng biết về nhạc học trò ngoài ý là mấy. Có ai đi học ngoài Bắc thời nhạc trong này du nhập ra đó bật mí “Em tan trường về” cho mình biết với!

Phạm Thiên Thư:

Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, chim non dấu mỏ, dưới cội hoa vàng,

bước em thênh thang, aó tà nguyệt bạch, ôm nghiêng cặp sách, vai nhỏ tóc dài,

anh đi theo hoài, gót giầy thầm lặng, đường chiều úa nắng, mưa nhẹ bâng khuâng.

Em tan trường về, cuối đường mây đỏ, anh tìm theo Ngọ, dáng lau lách buồn,

tay nụ hoa thuôn, vương bờ tóc suối, tìm lời mở nói, lòng sao ngập ngừng

lòng sao rưng rưng, như trời mây ngợp. hôm sau vào lớp, nhìn em ngại ngần

Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, trao vội chùm hoa, ép vào cuối vở

thương ơi vạn thuở, biết nói chi nguôi, em mỉm môi cười, anh mang nổi nhơ’

Hè sang phượng nở, rồi chẳng gặp nhau, ôi mối tình đầu, như đi trên cát

bước nhẹ mà sâu, mà cũng nhòa mau, tưởng đã phai mầu, đường chiêù hoa cỏ

Mười năm rồi Ngọ, tình cờ qua đây, cây xưa vẫn gầy, phơi nghiêng ráng đỏ

áo em ngày nọ, phai nhạt mấy mầu, chân tìm theo nhau, còn là vang vọng
đời như biển động, xoá dấu ngày qua

Phạm Duy:

Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ. Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở. Tóc dài tà áo vờn bay
Em đi dịu dàng . Bờ vai em nhỏ. Chim non lề đường . Nằm im giấu mỏ
Anh theo Ngọ về . Gót giày lặng lẽ đường quê

Em tan trường về . Anh theo Ngọ về . Chân anh nặng nề . Lòng anh nức nở
Mai vào lớp học. Anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ
Em tan trường về . Mưa bay mờ mờ. Anh trao vội vàng. Chùm hoa mới nở
Ép vào cuốn vở . Muôn thuở còn thương còn thương

Em tan trường về . Anh theo Ngọ về. Em tan trường về. Anh theo Ngọ về
Môi em mỉm cười. Man man sầu đời tình ơi
Bao nhiêu là ngày. Theo nhau đường dài. Trưa trưa chiều chiều. Thu đông chẳng nhiều
Xuân qua rồi thì. Chia tay phượng nở sang hè
Rồi ngày qua đi qua đi.. qua đi
Như phai nhạt mờ. Đường xanh nho nhỏ. Như phai nhạt mờ. Đường xanh nho nhỏ
Hôm nay tình cờ. Đi lại đường xưa đường xưa
Cây xưa còn gầy. Nằm quay ván đỏ. Áo em ngày nọ. Phai nhạt mây màu
Âm vang thuở nào. Bước nhỏ tìm nhau tìm nhau
Xưa tan trường về. Anh theo Ngọ về. Nay trên đường này. Đời như sóng nổi
Xóa bỏ vết người. Chân người tìm nhau tìm nhau
Ôi con đường về. Ôi con đường về. Bông hoa còn đẹp. Lòng sao thấm mềm
Ngắt vội hoa này. Nhớ người thuở xưa thuở xưa
Xưa tan trường về. Anh theo Ngọ về. Xưa tan trường về. Anh theo Ngọ về
Đôi chân mịt mù. Theo nhau bụi đỏ đường mưa
Xưa theo Ngọ về. Mái tóc Ngọ dài. Hôm nay đường này. Cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài. Ai mang bụi đỏ đi rồi
Ai mang bụi đỏ đi rồi
Ai mang bụi đỏ đi rồi …  

Advertisement
  1. No comments yet.
  1. No trackbacks yet.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: