Home > Uncategorized, Đi ba lô trên đất Mỹ... > Bay vào đất Mỹ, thất vọng ban đầu!

Bay vào đất Mỹ, thất vọng ban đầu!

(Phần 1: Lang thang Cali.

Bay vào đất Mỹ thất vọng ban đầu!)

Mình luôn nhớ rất rõ cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy xứ Mỹ.

Chán!

Thất vọng!

Niềm hứng khởi của chuyến đi giảm một mớ!

Nước Mỹ là đây sao?

Khi ở Việt Nam xem phim ảnh của Mỹ thấy xứ này đẹp lắm mà.

Cứ tự nhủ phải đến Mỹ một lần cho biết.

Nói chung là háo hức lắm.

Vậy mà khi thấy đất Mỹ thì ôi thôi…

Cảm nhận đầu tiên là toàn cát không là cát.

Rồi đồi trọc mênh mông, rồi lại núi tuyền núi với đá sỏi khô cằn chẳng chút sự sống.

Khi bay từ biển vào, từ trên cao nhìn xuống là những trảng cát mênh mông, biển thì phải có cát rồi nên chẳng thắc mắc làm gì, nhưng bay tiếp vào sâu lục địa cũng chẳng thấy có mấy ngôi nhà. Cứ hết cát lại đến đồi, hết đồi lại đến núi, rồi sau núi lại thấy cát rồi lại thấy núi nữa! Dõi mắt ra xa cho đến hút tầm mắt, nơi cuối đường chân trời cũng vẫn vậy, chỉ tuyền một màu nâu vàng nhàm chán với trùng trùng lớp lớp những dãy núi mang trên mình chúng biết bao vết nứt như bị chém bởi những nhát dao khổng lồ. Vừa nhìn núi vừa đoán mò phải chăng đây chính là một phần của dãy Sierra Nevada nổi tiếng nằm giữa hai tiểu bang California và Nevada. Thi thoảng mới thấy có một nhà máy nằm trơ trọi giữa sa mạc, chắc là để lữ khách cảm thấy đỡ hiu quạnh!

Khi chưa đến Mỹ cứ hình dung như trong phim hẳn phải thấy những tòa nhà cao ngất, phố xá nhộn nhịp, xe hơi lao vun vút trên những xa lộ…

Vậy mà chào đón khách phương xa là một bức tranh khổng lồ của sự đơn điệu.

Điều an ủi là cứ vài phút lại thấy mấy chiếc máy bay thể thao lao vun vút bên dưới, dọc ngang trên tấm tranh sa mạc khổng lồ, như những con chuồn chuồn nhỏ đang tranh thủ bay trốn trời mưa, nhìn cũng thấy vui mắt.

Nói cho rõ thêm khi mua vé ở Việt Nam mình đã cố ý chọn chỗ ngồi sát cửa sổ cho chặng Đài Bắc- Los Angeles, phía bên trái của tàu bay và chọn chuyến bay vào Mỹ ban ngày. Bụng bảo dạ là lần đầu đi thăm xứ cờ hoa, phải chịu khó nhìn ngắm xem quê hương chú Sam có gì đặc sắc không.

Vậy mà những gì nhìn thấy ban đầu thật “nản lòng chiến sỹ” quá!

Từ lúc tiếp giáp với đất liền cho đến gần Los Angeles áng chừng cũng gần một tiếng đồng hồ, phong cảnh không có gì thay đổi. Mà cũng thấy lạ là tàu bay vào đất Mỹ, cứ nghĩ Đài Loan nằm ngang ngang với Los thì phải hạ cánh trực diện xuống thành phố mới đúng, đằng này nó lại vào từ phía Bắc của Los, đâu đó gần Mũi Arguello và Lompoc city.  Nhìn đồng hồ lúc đó là 13 giờ. Theo bản đồ của tàu bay thì thấy còn cách Los khoảng 250 km rồi cứ vậy bay xuôi xuống phía Nam . Rõ ràng phía dưới phải là những thành phố như Montecito, rồi Santa Paula hoặc Simi Valley và Thousand Oaks… cũng trù phú lắm chứ đâu phải toàn sa mạc với đồi trọc, chẳng biết cơ trưởng bay theo đường nào mà nhà cửa phố phường trốn đâu hết trọi!

Nhớ tới mấy bài viết đọc đâu đó trên mạng của mấy bà con người Việt mình khi đi Mỹ định cư, lần đầu thấy đất Mỹ cũng thất vọng y chang mình, mọi người than “miền đất hứa đâu chưa thấy mà chỉ thấy toàn đá với sỏi, quê hương đã ở phía sau lưng rồi mà tương lai vẫn bất định, tiếng Mỹ thì không biết, lo lắng đến ứa nước mắt…” Mình hoàn toàn cảm nhận được tâm trạng của những đồng hương xa xứ khi đặt chân lên miền đất lạ, chỉ khác là mình thì đi chơi vài bữa rồi về nên không đến độ “lo lắng đến ứa nước mắt…” nhưng cũng thấy oải oải, đến Mỹ lần đầu mà lại “đi ba lô” có một mình,  khi xuống máy bay rồi mà đi đây đi đó giữa những đồi núi như đã thấy thì không hề dễ dàng.

Chắc chắn là không có xe ôm và tuktuk như ở Việt Nam mình và Thailand!

Nhìn địa hình xứ Mỹ kiểu này mà đi xuyên qua bờ Đông tới 5000 km đến Washington DC chắc xa xôi và gian nan lắm?

Khi cơ trưởng thông báo tàu bay chuẩn bị hạ cánh xuống Los Angeles, phong cảnh phía dưới mới bắt đầu giống…Mỹ một chút: những biệt thự vuông vắn, những xa lộ chằng chịt nhưng rộng rãi với hàng hàng lớp lớp các loại xe lao nhanh khắp các hướng. Ngạc nhiên một điều là trông Los không có vẻ gì là một đô thị lớn cả, thành phố rộng nhưng trải dài trong một lòng chảo với đa số là nhà trệt chứ không có mấy những building cao tầng. Chỉ khu downtown là ra dáng đô thị một chút nhưng cũng không đồ sộ như mình vẫn hình dung. Dẫu sao phong cảnh như vậy cũng làm tâm trạng của người “đi ba lô” đỡ thấy nản hơn. Thôi thì đã lỡ phóng lao rồi, sốc ba lô mà dấn tới chứ đâu còn lựa chọn nào khác!

Sau này khi đã ra vào Mỹ nhiều lần mới thấy cảm giác lần đầu thất vọng đó dường như là trách oan cho quê hương chú Sam!

Thật ra có rất nhiều chọn lựa khi bay đến nước Mỹ. Từ Việt Nam du khách có thể bay đến rất nhiều phi trường quốc tế của Mỹ. Nếu đến Cali thì có phi trường San Francisco và Los Angeles, đến vùng New England và thủ đô thì có phi trường JFK ở New York và phi trường Ronald Reagan ở Washington DC, vùng hồ lớn thì có phi trường Ohare ở Chicago, xuôi xuống phía Nam thì có Hartsfield Jackson ở Atlanta, vào sâu giữa nước Mỹ thì có Fort Worth ở Dallas và George Bush ở Houston… Đây là nói chuyện về những chuyến bay từ Việt Nam vào Mỹ quá cảnh qua mấy phi trường Đông Nam Á và Hongkong, Đài Loan, Korea, Nhật Bản. Còn nếu bay từ khắp thế giới tới Mỹ thì có không biết bao nhiêu mà kể những phi trường quốc tế khác nữa sẽ là điểm đển cho du khách nhập cảnh. Mình mua vé của China Airlines vì giá rẻ hơn so với các hãng khác và vì muốn ghé thăm Cali trước khi sang bờ Đông nên mới lấy chuyến Sài Gòn- Los Angeles. Trong đầu tính toán đến Cali nhìn qua Little Saigon cho biết thì từ Los xuống là gần hơn cả, vậy nên mới lâm vào cảnh lần đầu tiên thấy xứ Mỹ đã thất vọng ê chề, chứ nếu không bay vào Los mà vào San Francisco thì cảnh vật hoàn toàn khác: Đẹp như tranh vẽ luôn!

Sau này khi khám phá dưới mặt đất thăm thú Cali khắp chốn mới tỏ là đoạn tàu bay tiến vào đất liền chính là nơi toàn núi đồi cằn cỗi của tiểu bang này. Dải cát này chạy từ bờ biển phía Tây kéo dài tới tận tiểu bang Nevada, rong ruổi trên các xa lộ thấy đồi trọc trùng điệp không biết bao giờ cho hết.

Những chuyến sau khi nhập cảnh vào San Francisco tàu bay sẽ vào từ mũi Point Arena, nằm về phía Bắc của vùng Vịnh khoảng 200km và sẽ bay dọc theo bờ biển xuống đến tận San Jose mới vòng lại hạ xuống phi trường SFO. Suốt dọc đường cảnh núi đồi xanh ngắt chen lẫn những thành phố nhỏ tuyệt đẹp nằm bên những bãi biển như Dillon Beach, Marshall , Stinson Beach …nhìn mãi không chán. Bay qua vùng Vịnh ngày nắng cũng như ngày có sương mù nhẹ, thấy cây cầu Cổng Vàng- Golden Gate vắt ngang trên eo biển đầy kiêu hãnh!

Còn những thành phố như San Francisco, San Rafael, Vallejo, Oakland… nằm trải dài hai bên bờ vịnh cũng đẹp mê ly luôn, nhà cửa khang trang chen lẫn những khoảng xanh thấy đúng những nơi để sỗng và thư giãn.Từ đó xuống tới San Jose khoảng 60-70 km là hàng loạt những thành phố nhỏ như San Bruno, Redwood, Palo Alto …với những biệt thự xinh đẹp nằm trên những con phố bên đồi sạch sẽ hoặc nằm trong những rừng thông đặc trưng của vùng Bắc Mỹ vừa trong xanh vừa thanh bình. Nói thật Đà Lạt mình không có cửa nào để so sánh cả!

Còn bên bờ Đông nếu du khách bay vào New York thì sẽ thấy những tòa nhà chọc trời dựng lên trên sông Hudson và sông East giống như những bức tường khổng lồ làm liên tưởng tới vách sông Trường Giang trong trận Xích Bích thời Tam Quốc. Mà bờ Đông nước Mỹ còn xanh hơn bờ Tây nhiều, như ở Washington DC và vùng phụ cận thì rừng bao phủ khắp nơi nơi, nhìn ngắm rừng cây và thành phố hẳn du khách sẽ ngạc nhiên tự hỏi là không biết nên gọi là phố ở trong rừng hay rừng ở trong phố đẹp mê mẩn lòng người! Bay vào Chicago hay mấy thành phố nằm trong nội địa Mỹ cũng vậy, tha hồ ngắm cảnh từ trên cao và cảm nhận vẻ đẹp cũng như sự giàu mạnh của nước Mỹ. Nơi nào cũng đầy màu xanh mà nhà cửa, phố phường, công viên…đẹp và hài hòa như là môn nghệ thuật sắp đặt vậy. Từ trên cao quan sát, có thể có những góc khuất xấu xí của nước Mỹ mình không thấy được, nhưng với những gì chừng kiến thì đại thể rất có ấn tượng với Hợp chúng quốc.

Nhưng đấy là chuyện dài của “cao thủ ba lô”, còn bây giờ thì đạp đất xứ cờ hoa và lang thang Cali trước đã.

  1. No comments yet.
  1. No trackbacks yet.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: