Vài suy nghĩ về việc lấy visa du lịch Mỹ.
Dường như không có một đáp án chung cho việc lấy visa du lịch Mỹ. Chỉ có thể nói rằng những đương đơn (người xin visa) được cấp visa đều là những người mà các viên chức lãnh sự của Bộ Ngoại giao Mỹ tin rằng họ sẽ trở về sau chuyến du lịch.
Tuy nói là các đương đơn sẽ phỏng vấn để được cấp visa nhưng bản thân mình có cảm giác đa phần hồ sơ của các đương đơn đều được chấp thuận trước khi gặp mặt trực tiếp viên chức lãnh sự ở mỗi ô cửa phỏng vấn. Tức là trong khoảng thời gian từ khi đương đơn nộp đơn cho nhân viên tiếp nhận khi mới bước vào Tòa Lãnh sự hay Đại Sứ Quán cho đến khi được gọi số lên để phỏng vấn thì hồ sơ của đương đơn đã được quyết định ở bên trong gần như 90% rồi. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi đương đơn mà thời gian chờ đợi khác nhau hay nói cách khác là tùy theo thông tin được đưa ra của các đương đơn mà thời gian xử lý hồ sơ sẽ dài hay ngắn. Khi viên chức gọi số của các đương đơn lên gặp mặt thì chỉ những trường hợp thật sự cần sự suy xét mới là một cuộc phỏng vấn đúng nghĩa. Các trường hợp còn lại viên chức lãnh sự dường như chỉ hỏi cho có hỏi mà không cần câu trả lời, cho nên những đương đơn bị từ chối thật sự không có cơ hội để “trình bày và thuyết phục lý do sẽ trở về” trong cuộc phỏng vấn như chỉ dẫn của người Mỹ.
Do vậy chúng ta mới thấy những câu hỏi rất thú vị cho những đương đơn kiểu như đến Hà Nội, Sài gòn bằng phương tiện gì hoặc có mang theo card visit hay không? (Nếu quên mang theo card visit mà bị từ chối thì oan quá!). Hoặc những câu hỏi rất đơn giản và có vẻ là nhiều hơn một câu trả lời đúng cho những người rớt như: đi Mỹ làm gì? (Câu này “nổi tiếng” nhất và đã được ghi trong đơn xin visa của đương đơn rồi!), có gia đình chưa? (Chưa kết hôn nhưng 2 tháng nữa làm đám cưới thì có ưu ái gì không?), qua Mỹ ở đâu? (Cũng đã ghi trong đơn rồi, nếu đi nhiều nơi trên đất Mỹ thì ở tùm lum: nhà bạn bè, nhà bà con, khách sạn…).
Luật Mỹ cho phép nhân viên lãnh sự đặc quyền rất lớn trong việc ngăn cản “một ngoại kiều có ý định nhập cư vào Mỹ…” dẫu chỉ có 01% nghi ngờ cũng có thể bác đơn (!), nên có nhiều đương đơn bị từ chối đã cảm thấy ấm ức và cho rằng các viên chức người Mỹ đã không xem xét thấu đáo trường hợp của mình.
Tuy nhiên sự thật chưa chắc là như thế và khách quan mà nói có lẽ người Mỹ họ đã làm đúng phận sự của họ!
Chúng ta hãy hình dung trong một ngày số người xin visa ít thì khoảng 150 người, nhiều thì khoảng 250 người, có ngày lên tới 280 người, vậy lấy số trung bình cũng khoảng 200 người. Mà số cửa sổ phỏng vấn thường chỉ có 7 ô, trong đó ô số 7 thường chỉ để dành cho các đương đơn lấy dấu vân tay và trả kết quả visa cho những người đã từng đi Mỹ, có 1-2 ô trống do nhân viên nghỉ phép nên chỉ còn lại 3-4 ô là dành cho việc phỏng vấn. Chỉ chừng đó ô cửa mà phải gặp mặt 200 đương đơn lại còn phải trừ đi thời gian nghỉ trưa và thời gian “rỗng” giữa những lần kêu tới lượt phỏng vấn của các đương đơn thì quả thật khối lượng công việc của các viên chức lãnh sự là rất lớn.
Cho nên nói những viên chức này không “hỏi như máy” mới là lạ!
Vậy mà thông tin của các đương đơn đưa ra để phía Mỹ xem xét cho phép nhập cảnh thường chỉ gói gọn trong mẫu đơn xin visa mà thôi. Hiện nay, từ ngày 17 tháng 05 năm 2010 mẫu đơn trực tuyến DS-160 đã được áp dụng tại Việt Nam, so với các mẫu đơn cũ như DS-156 và các mẫu bổ sung DS-157 (dành cho nam đương đơn trong độ tuổi 16-45), DS-158 dành cho sinh viên…thì thông tin được cung cấp trong mẫu đơn này đầy đủ hơn. Hơn nữa những thông tin trực tuyến này sẽ được chuyển đến Bộ Ngoại Giao Mỹ ngay lập tức nên thời gian xử lý thông tin sẽ sớm và nhanh hơn trước đây. Tuy nhiên việc xét duyệt cấp visa qua hồ sơ dù chính xác cũng chỉ có tính tương đối. Nói tương đối là bởi vì ngoài các thông tin trong các mẫu đơn được những viên chức lãnh sự xử lý thì cho đến thời điểm này, các giấy tờ, tài liệu hoặc hình ảnh… mà các đương đơn cầm theo ít khi được các viên chức Mỹ xem tới. Như vậy rõ ràng là trong việc xem xét các hồ sơ, những viên chức lãnh sự Mỹ phải có khả năng đặc biệt là “nhìn xuyên qua giấy, trông mặt mà bắt hình dong”, tức là qua những thông tin và hình ảnh được các đương đơn cung cấp họ phải thấy khoảng 90 % hoàn cảnh của các đương đơn nằm phía sau?!
Chắc nghề tay trái của các nhân viên Mỹ này là thầy bói quá!
Còn những trường hợp đậu visa được cho là may rủi phải chăng nằm trong 10 % còn lại?!
Như thế có thể thấy việc ghi gì trong đơn xin visa rất quan trọng.
Người Việt Nam mình có hạn chế là ít biết tiếng Anh và nếu có biết cũng thường ít đủ tự tin để điền đơn mà hay nhờ dịch vụ điền hộ. Nhất là việc điền mẫu đơn mới DS-160 khó điền hơn các mẫu đơn trước nhiều.
Mà thời gian điền đơn cũng gấp nữa. Chỉ chậm một xíu là hết thời gian và bị cancel lại từ đầu.
Nói như vậy không phải chê khả năng điền đơn của các văn phòng dịch vụ nhưng thực chất một lá đơn tự điền được đánh giá rất cao. Quy định được ghi rõ rằng “đương đơn là chủ thể của việc xin visa và chữ ký của đương đơn là một sự cam kết tất cả những thông tin đưa ra là sự thật và chính xác, rằng đương đơn chịu trách nhiệm pháp lý về tất cả những thông tin này…” Vì vậy những ai có thể tự điền đơn đều thường tự kiểm tra rất kỹ các thông tin của chính mình nên thường ít có sai sót, nhầm lẫn và đảm bảo tính hợp lý của chuyến đi Mỹ cũng như có thể “thổi” sự trung thực, sự tự tin vào chính “cái tôi” của đương đơn cho việc cam kết sẽ trở về Việt Nam sau hành trình.
Điền đơn trên mạng xong thì xem ngày nào tiện cho việc phỏng vấn thì đăng ký on line trên mạng bằng mã vạch hồ sơ trong đơn. Sau đó khi đi phỏng vấn thì nộp 140 đô (3 triệu lun !). Trong trường hợp đương đơn không tự điền đơn được thì nên nhờ một văn phòng dịch vụ có kinh nghiệm tư vấn xuất cảnh đi Mỹ điền giùm và hãy cho họ biết rõ những ý định của mình.
Người Mỹ họ rất coi trọng những đương đơn trung thực, tự tin và có trí tuệ và thường cấp visa cho những trường hợp này.
Người xin visa chỉ nên nhờ các văn phòng dịch vụ tư vấn mà thôi chứ không nên để họ thay thế mình.
Nhiều đương đơn thường tự hỏi là thông tin trong mẫu đơn dường như là chưa đủ để nói lên hoàn cảnh của mình nhưng có người được cấp visa một cách dễ dàng, mà cũng có người bị từ chối một cách thẳng thét dù họ không hề có ý định ở lại Mỹ.
Có những điểm nào cần lưu ý trong mẫu đơn DS-160?
Mẫu đơn này dài hơn, khó điền hơn những mẫu đơn cũ rất nhiều và là một mẫu đơn “dẫn dắt”, tức là nếu thông tin đương đơn đưa ra cần sự giải thích thêm thì sẽ có những yêu cầu tiếp theo buộc đương đơn phải trả lời. Giả như đương đơn trả lời là đã nghỉ hưu thì sẽ được hỏi thêm về công việc trong quá khứ, nếu đã kết hôn hoặc ly dị (kể cả ly thân) thì sẽ được hỏi thêm khá kỹ về người phối ngẫu của mình, ngược lại nếu chưa kết hôn hoặc góa bụa thì sẽ không bị chất vấn gì nữa. Cũng vì vậy mà người nào điền đơn không quen rất dễ bị hết thời gian- out time.
Bên cạnh đó đương đơn phải hoàn tất thứ tự từng mục mới chuyển qua được mục kế tiếp.
Có tổng cộng 10 mục:
1.Personal information- Thông tin cá nhân
2.Address and phone- Địa chỉ và số điện thoại
3.Passport- Hộ chiếu
4.Travel- Hành trình
- Travel companions- Những người cùng đi
6.Previous US travel- Đến Mỹ trước đây
7.US contact- Liên lạc ở Mỹ
8.Family- Gia đình
9.Work/Education/Training- Công việc/ Trình độ/Đào tạo
10.Security and Background- An ninh và Lai lịch (Trong đó gồm Medical and Health- Y tế và Sức khỏe, Criminal information- Thông tin tội phạm, Security information- Thông tin an ninh, Immigration law violation information- Thông tin vi phạm nhập cư,
11.Muscellaneous information- Thông tin (linh tinh) khác).
Qua so sánh tất cả các mẫu đơn cũ và mới có thể thấy những thông tin được chú trọng của các đương đơn vẫn là:
Tuổi tác?
Tình trạng hôn nhân?
Có bị mất hoặc bị đánh cắp hộ chiếu và visa bao giờ chưa
Địa chỉ lưu trú và liên lạc ở Mỹ?
Thông tin về những chuyến đi Mỹ trước đây
Có thân nhân ở Mỹ hay không?
Công việc ở Việt Nam?
Lai lịch và quá khứ tư pháp?
Về tuổi tác của đương đơn, lý thuyết là đi du lịch đâu cần quan tâm già trẻ nhưng những đương đơn dưới 35 tuổi thường ít có cơ hội lấy visa du lịch Mỹ, có lẽ dưới tuổi này người Việt Nam vẫn ít thành đạt hay chăng? Nếu còn độc thân thì cơ hội sẽ thấp hơn nữa, tuy nhiên ly hôn, ly thân hoặc góa bụa vẫn được xem xét vì người Việt sau khi kết hôn đa phần đều có con cái cả (tài sàn lớn nhất đời người?!), coi như là một yếu tố ràng buộc sẽ trở về.
Phần “đánh mất hộ chiếu và visa” nói chung ít ai bị trường hợp này, nhưng vì câu hỏi có được đặt ra nên đương đơn cũng cần phải lưu ý.
Nếu đương đơn nào có ý định qua Mỹ để học-visa F- gì đó thì cũng phải đợi dịp khác chứ không được ghi “Yes” trong phần “ Bạn có ý định học ở Mỹ không?”
Tương tự là ý định đi làm-visa H.
Visa du lịch, công tác B2/B2 được cấp cho đương đơn để tham quan hoặc làm việc trên nước Mỹ chứ không nhằm 2 mục đích trên và cả những mục đích khác.
Về địa chỉ lưu trú và liên lạc tại Mỹ, đặc biệt quan trọng! Đương đơn nên có gắng liệt kê rõ ràng tất cả những thông tin trong mục này ngay cả là ở khách sạn. Chính phủ Mỹ không kiểm soát đương đơn hàng ngày sau khi nhập cảnh Mỹ, tuy nhiên họ rất khuyến khích các đương đơn cung cấp càng chi tiết càng tốt số nhà, tên đường phố, thành phố…cũng như tất cả số điện thoại, địa chỉ e-mail của đầu mối bên Mỹ. Việc có người quen bên Mỹ cũng đồng nghĩa với việc có một chủ thể hiểu rõ pháp luật Mỹ ở bên cạnh để góp phần giúp đương đơn tuân thủ pháp luật Mỹ tốt hơn cũng như nhắc nhở đương đơn trở về Việt Nam khi hết hạn lưu trú.
Còn thời gian dự định đến Mỹ, nếu càng lùi xa ngày điền đơn càng tốt. Điều này sẽ cho thấy đương đơn là người có tầm nhìn xa và dự liệu mọi việc trong tương lai chu đáo, kỹ càng nên dễ làm chủ được mọi tình huống.
Ngược lại trả lời câu hỏi “dự định ở Mỹ bao lâu” những đương đơn trẻ trẻ nên khai “hợp lý”, không nên để thời gian quá dài, nếu đương đơn đi chơi khoảng trên 01 tháng người ta sẽ đặt câu hỏi là công việc ở Việt Nam của đương đơn như thế nào mà có thể “bỏ bê” đi mút mùa như vậy? Chẳng lẽ đương đơn đang thất nghiệp?
Sau này khi đi Mỹ muốn ở lại lâu đương đơn đừng ngại ngần gì cả, cứ mạnh dạn trình bày ý định này với nhân viên Mỹ ở sân bay khi nhập cảnh. Có muôn vàn lý do hợp lý để đương đơn có thể đạt mục đích: Nước Mỹ rộng mênh mông, có rất nhiều cảnh đẹp tôi muốn đi thăm Las Vegas, Grand Canyon, tượng Nữ Thần Tự Do, Nhà Trắng… rồi Việt Nam với Mỹ xa xôi quá, một lần đi là một lần khó riêng vé máy bay đã tốn cả ngàn đô rồi, đi một lần cho bõ công đi luôn…
Chú ý là nếu đương đơn nói đi công tác (visa B1) thời gian lưu trú tối đa là 03 tháng nhưng nói là đi thăm thú nước Mỹ (visa B2) thời gian ở lại sẽ thường được 06 tháng. Còn nếu kết hợp công tác với du lịch (B1/B2) cũng là điều hợp lý để lấy dấu 06 tháng.
Nói khai ”hợp lý” là bởi vì khi điền đơn mình chỉ dự định đi chừng đó thời gian thôi, còn vào thời điềm đi Mỹ thì hoàn cảnh đương đơn đã thay đổi, có nhiều thời gian rảnh hơn nên muốn ở chơi nước Mỹ lâu hơn một chút!
Cũng xin được mở ngoặc nhắc các đương đơn về sự khác nhau giữa thời hạn của visa -expried time và thời hạn (được chấp nhận) lưu trú-admitted time. Thời hạn của visa là khoảng thời gian mà đương đơn được phép nhập cảnh Hoa Kỳ, thời hạn này do các nhân viên lãnh sự của các Lãnh Sự Quán hoặc Đại Sứ Quán Mỹ cấp cho đương đơn trước khi đương đơn vào Mỹ. Hiện nay theo quy định mới rất tiện lợi cho đương đơn, tất cả visa du lịch đều có thời hạn 12 tháng, cho phép các đương đơn nhập cảnh nhiều lần (Entry: M -Multi-) vào nước Mỹ. Giả dụ giá trị sử dụng của visa là từ ngày 1 tháng 10 năm 2011 đến 30 tháng 9 năm 2012 thì đương đơn có thể nhập cảnh nước Mỹ mấy lần cũng được từ lúc 00:00 ngày này năm nay đến 23:59 ngày 30 tháng 9 năm 2012.(!)
Như vậy theo quy định thoáng như thế trong vòng 12 tháng so với lệ phí visa 140 đô thì rõ ràng là không đắt tí nào!
Còn thời hạn lưu trú là thời hạn mà nhân viên của Cục Di Trú- Bộ An Ninh Nội Địa Mỹ tại phi trường (hoặc tại cửa khẩu biên giới đường bộ và đường biển) cho phép đương đơn được hợp pháp thăm thú nước Mỹ khi đương đơn nhập cảnh vào Mỹ và được ghi trong dấu nhập cảnh trong hộ chiếu và tờ khai nhập cảnh I-94 của đương đơn. Thời hạn này dài hay ngắn tùy thuộc vào nhân thân và mục đích chuyến đi của mỗi đương đơn, có thể là 06 tháng nhưng cũng có thể chỉ 15 ngày và đương đơn phải trở về hoặc ra khỏi nước Mỹ trước khi thời hạn này kết thúc.
Có nhiều đương đơn muốn kéo dài cuộc tham quan đã chọn giải pháp gia hạn thời gian lưu trú bằng cách xin visa tham quan Canada, Mexico hoặc các nước Châu Mỹ La Tinh rồi quay trở lại Mỹ và cũng như đã nói ở trên thời gian lưu trú kế tiếp này vẫn phải tùy thuộc vào sự cho phép của nhân viên cửa khẩu Mỹ.
Khi khai về những chuyến đi Mỹ trước đây, điều quan trọng nhất là đương đơn đã không phạm pháp và đã không lưu trú quá hạn.
Nếu đương đơn phạm pháp tất nhiên đã có cảnh sát Mỹ lo việc này, còn để chứng minh về thời gian lưu trú đương đơn nên chú ý giữ lại những giấy tờ liên quan đến hành trình trở về như vé máy bay điện tử, cuống vé Boarding pass lên máy bay, cuống vé hành lý… vì nhân viên cửa khấu Mỹ không đóng dấu xuất cảnh ra khỏi Mỹ như những nước khác mà nhờ nhân viên của các hãng hàng không, vận chuyển thu lại Tờ khai xuất-nhập cảnh ( I-94 Arrival/Departure Record) mà việc bị quên thu cũng chẳng phải hiếm.
Tuy nhiên trách nhiệm chính trả lại Tờ khai này thuộc về các đương đơn:
Tờ khai ghi rõ rằng “Bạn phải nộp lại Tờ khai này khi bạn rời nước Mỹ” (You must surrender it when you leave the US) và “Nếu không làm như vậy có thể khiến sự nhập cảnh của bạn vào Mỹ bị chậm trễ trong tương lai” (Failure to do so may delay your entry into the US in the future). Về vụ này mình đã bị một lần do cả bản thân mình lẫn nhân viên của China Airlines đều cùng quên, báo hại đã bị chận lại xét hỏi kỹ càng trong khu vực cách ly ở sân bay Los Angeles khi vào lại Mỹ lần kế tiếp.
Nói chung việc xin tái cấp visa không có gì khó khăn mà có phần được ưu ái nữa kể cả là xin tại Sứ Quán Mỹ ở một nước thứ ba.
Riêng tại Việt Nam hiện nay những người đã từng đi Mỹ có thể xin tái cấp qua đường bưu điện gửi đến Đại Sứ Quán Mỹ ở Hà Nội nhằm tránh cho đương đơn khỏi phải tốn kém thời gian, tiền bạc đi phỏng vấn. Như vậy là người Mỹ họ cũng rất công bằng- tưởng thưởng cho những ai tuân thủ pháp luật đàng hoàng- chứ không chỉ khó khăn như các đương đơn vẫn nghĩ.
Đối với những người trẻ, việc có thân nhân bên Mỹ có lẽ là một yếu tố bất lợi nhưng đối với những đương đơn cao tuổi dường như là ngược lại. Phải chăng người già qua Mỹ không có thân nhân thì khi xảy ra chuyện sẽ dễ tạo ra gánh nặng cho nước Mỹ?
Vậy nên việc có công ăn việc làm ổn định và tốt đẹp ở Việt Nam của những người chưa già (!?) tạo ấn tượng rất tốt đối với những người xét duyệt hồ sơ. Đương đơn không cần phải là người quyền (lương) cao chức trọng nhưng đương đơn phải cho thấy công việc đang làm là đáng để đương đơn gắn bó lâu dài và đang đem lại ích lợi (đủ sống) cho bản thân và gia đình. Trong mục 9 ’’công việc’’ này còn có phần “Briefly describe your duties và monthly salary”- (Mô tả vắn tắt công việc của bạn và mức lương hàng tháng). Hãy cố gắng tận dụng câu chữ để thể hiện được rõ về công việc và ưu thế của mình.
Việc đương đơn từng đi ngoại quốc nhiều lần cũng là một lợi thế. Hãy đem theo tất cả hộ chiếu cũ có dấu nhập cảnh của các nước từng đến nộp cho nhân viên lãnh sự cùng với lúc nộp hồ sơ. Tức là khi nộp đơn DS-160, hộ chiếu và giấy hẹn phỏng vấn. Còn các loại giấy tờ khác sẽ cầm theo khi tới lượt phỏng vấn.
Các câu hỏi về Securiy và Background thì cũng giống như các mẫu đơn cũ, tất cả đều trả lời “No” hết! Có bị bệnh truyền nhiễm không? Có hiểu biết về vũ khí hóa học không? Có từng nhập cảnh bất hợp pháp không?…
Cuối cùng hãy lưu ý trả lời hết tất cả những câu hỏi phụ không bắt buộc “Do not” cũng như cố gắng miêu tả và giải thích rõ những câu “Describe và Explain” trong khả năng có thể khi được yêu cầu.” Bởi vì tất cả những câu hỏi phụ đó làm rõ hơn hoàn cảnh, xuất thân, nhân thân… của mỗi đương đơn cũng như thể hiện được khả năng đáp ứng yêu cầu của họ.
Cần lưu ý các đương đơn hãy cố gắng không phải là người phải trả lời những câu “Explain” vì những câu này toàn phát sinh sau những điều tiêu cực. Ví dụ như “đã từng làm mất hộ chiếu, visa” hoặc “Tôi là người đang thất nghiệp”…
Về trường hợp của trẻ em, visa cho các em phụ thuộc hoàn toàn vào đương đơn chính. Nếu cha mẹ được chấp thuận các em cũng được ’’ăn theo’’. Nhưng nếu đi Mỹ lần đầu chưa nên dẫn các em theo cùng mà nên đợi các lần sau khi đã có uy tín một chút, từng đi và trở về. Trừ những trường hợp đương đơn là công dân ’’đặc biệt’’.
Một cái nhìn bao quát về việc lấy visa du lịch Mỹ cho các đương đơn là như vậy.
Một lần nữa xin nhắc lại là không có đáp án chung cho điều này!
Việc cấp visa tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, tùy thuộc vào việc xử lý tổng hợp các thông tin cũng như phán đoán của viên chức lãnh sự. Có nhiều đương đơn trẻ tuổi có thể đi thăm đất nước Hợp chủng và cũng có nhiều đương đơn “Đại gia” không thể lấy được visa!
Không ai nên nản lòng nếu thấy mình có những điểm bất lợi trong hồ sơ vì sẽ có những điều tích cực khác hỗ trợ qua lại.
Giả dụ thang điểm là 10 thì bù qua sớt lại còn 6 điểm là OK.
Độc thân là điểm trừ, trẻ tuổi cũng là điểm trừ và ngược lại…
Tựu chung lại là làm sao để phía Mỹ họ nhìn thấy được rằng “đương đơn không hề có ý định ở lại Mỹ sau chuyến đi…” mà điều này nằm trong hoàn cảnh và tâm tư của mỗi người chứ không chỉ thể hiện ở sự giàu nghèo hoặc ở những điểm đã kết hôn hay độc thân…!
Bởi vậy nên việc đương đơn đem theo các giấy tờ chứng minh bổ sung như giấy tờ ngân hàng, đăng ký kinh doanh, giấy tờ nhà đất, bằng cấp…cũng nên được cân nhắc. Tất nhiên thì có càng nhiều càng tốt nhưng cũng nên là có giấy nào thì đem theo giấy đó chứ đừng cầu toàn quá mà cố “sắp xếp” các loại giấy tờ không trung thực, vừa tốn tiền lại vừa không mấy hiệu quả như chúng ta đã thấy ở trên. Thấy người Mỹ họ cũng chẳng xem giấy tờ của mình mấy. Chưa kể người Mỹ họ rất giỏi trong việc phát hiện các loại giấy tờ giả, thậm chí họ còn có thể lắp đặt những máy móc tối tân để biết các loại giấy tờ đó được làm vào thời điểm nào ?
Tổng kết lại là các đương đơn làm sao trình bày để hoàn cảnh của mình trong đơn giống như những bậc thang rất chân phương. Tức là khi xem hồ sơ người ta có thể thấy tiểu sử và nhân thân của đương đơn trải dài ra trước mắt họ từng bậc, từng bậc theo thời gian và tuổi tác: Rõ ràng và hợp lý!
Như 2 cộng 2 bằng 4, cộng thêm 3 nữa bằng 7 không có gì khuất tất và đáng nghi ngờ! Còn nếu đương đơn thực sự có quá nhiều điểm bất lợi khiến bị hiểu nhầm là sẽ ra đi không trở lại thì đành chấp nhận lỗi hẹn với nước Mỹ và sẽ khám phá nó vào dịp khác khi hoàn cảnh của đương đơn đã thay đổi, chẳng hạn như đã lập gia đình hay đã tạo lập được công cuộc kinh doanh bề thế… hoặc khi vị thế của Việt Nam mình đã được nâng cao hơn và hai nước có những thỏa thuận ngoại giao thuận lợi hơn cho các công dân.
Qua tìm hiểu về nước Mỹ và đã đi đây đi đó nhiều nơi trên đất nước này, mình thấy Hoa Kỳ quả thực là một siêu cường trong khi Việt Nam mình thì vẫn còn ở vị trí rất khiêm tốn.
Có thể coi những viên chức phỏng vấn là những người được chính phủ Mỹ chỉ định làm người chọn khách vào thăm nhà, nhà của họ nên họ muốn cho ai vào là quyền của họ. Nếu để mình vào mà họ thấy không an tâm và nghi ngại thì họ không cho vào mình cũng không nên trách họ.
Nếu ở vào địa vị của họ mình cũng sẽ làm như thế!
Nhiều người trước khi đến Mỹ không hề có ý định ở lại bất hợp pháp, trong quá trình lưu trú tại Mỹ có dịp đi đó đi đây nhìn ngắm xứ cờ hoa, tìm hiểu xã hội Mỹ và ý nghĩ ở lại mới bắt đầu nảy sinh. Nhớ có lần mình đi theo bà chị gặp một người quen ở quán Bánh xèo Vân khu Bolsa- Little Sai gòn, anh em nói chuyện trên trời dưới biển rồi có đề cập đến chuyện về lại Việt Nam hay không, mình nói đi nói là đi chơi cho biết rôi về vì còn nhiều công chuyện ở Việt Nam cũng như muốn tạo uy tín tốt để sau này dẫn mấy tên nhóc đi du lịch cho biết nước Mỹ như đã hứa với chúng. Lúc đó anh chàng cũng nói là sẽ về rồi qua lại chứ nhớ mấy đứa con quá chịu không nổi. Vậy mà đợt sau qua lại Mỹ gặp bà chị hỏi thăm thì được biết chàng đã trốn biệt tích, xứ Mỹ rộng mênh mông biết đâu mà tìm. Hiện tại trên đất Mỹ những trường hợp trốn lại như vậy không phải là ít.
Chúng ta có thể thấy ở Việt Nam mình việc hợp tác lao động với Mỹ bao năm qua vẫn dậm chân tại chỗ vì người lao động đi qua không về dù đã đóng tiền thế chân cho các công ty xuất khẩu lao động.
Chưa kể dân Mexico nhập lậu vào Mỹ qua đường biên giới một ngày không biết bao nhiêu cho hết. Thậm chí có người hôm nay bị phía Mỹ trục xuất thì có khi ngày mai họ đã lại có mặt tại Mỹ rồi.
Ngoài dân Mexico thì còn nhiều dân các nước khác nữa cũng tìm đường vào “Thế giới tự do”! Cho nên những viên chức lãnh sự của Mỹ chẳng ngại ngần gì trong việc ngăn chặn những ngoại kiều “tiềm ẩn” sẽ ở lại Mỹ. Nếu ở bất hợp pháp mà không phạm pháp thì có khi ở cả đời cũng chẳng ai đụng đến mình, còn muốn hợp pháp thì cũng không thiếu gì cách như kiếm người kết hôn rồi ở lại, còn đối với phụ nữ thì chỉ cần sinh một em bé trên đất Mỹ là nghiễm nhiên trở thành mẹ của một công dân Hoa Kỳ và có quyền chăm sóc công dân này đến 18 tuổi và trong 18 năm đó có biết bao cơ hội ở lại nước Mỹ.
Chính vì vậy mà nhân viên phỏng vấn luôn tìm cách ngăn chặn từ xa và những đương đơn trẻ, độc thân hay bị từ chối visa nhất.
Tuy nhiên nếu là công dân của một quốc gia có quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ thì chúng ta sẽ thấy họ là vị chủ nhà rất hiếu khách. Chúng ta có thể thấy bất kỳ (xin nhấn mạnh) công dân nào của Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc các nước phát triển khác lúc nào cũng có thể vào Mỹ 90 ngày mà không cần visa. Hiện nay việc Bộ Ngoại Giao Mỹ áp dụng mẫu đơn trực tuyến DS-160 tại Việt Nam có thể nói là một tín hiệu tích cực, điều đó cho thấy số lượng người Việt xin visa vào Mỹ đã tăng lên và có lẽ việc cấp visa sẽ dễ hơn trước?
Việc đi lại giữa hai nước nhiều hơn của các công dân sẽ góp phần làm cho Việt-Mỹ hiểu nhau hơn và có thể giúp cho quan hệ hai bên tốt đẹp hơn nữa. Dẫu không phải như vậy thì hy vọng quy trình xử lý hồ sơ sẽ nhanh hơn đồng nghĩa với việc khi phỏng vấn nhân viên lãnh sự sẽ ít bị áp lực hơn và có nhiều thời gian cho việc nghe các đương đơn “trình bày và thuyết phục” cũng như có thể xem xét các giấy tờ tài liệu bổ sung mà các đương đơn cầm theo nhằm loại trừ những yếu tố may rủi?
Trên đây là một vài suy nghĩ về việc lấy visa du lịch Hoa Kỳ hiện nay. Những ý kiến này là quan điểm cá nhân của mình viết ra dông dài cho vui chứ chẳng dám khoa trương gì cả.
bài viết rất chi tiết, hữu ích. Cảm ơn tác giả
Cảm ơn người đọc!
Bài viết rất hữu ích. Cảm ơn bạn.
Bạn cho mình hỏi khi mình điền đơn DS160, có 1 số vấn đề như thế này mà sau khi đặt lịch pv rồi thì mình mới phát hiện là sai:
1. Given name, mình chỉ ghi đơn thuần 1 chữ mà không ghi tên lót/đệm.
2. Mình làm nhân viên văn phòng, nhưng khi chọn ngành nghề thì mình đem chọn “business” thay vì other để có thể có thêm 1 box cho mình gõ chức vụ.
3. Mình đã từng bị từ chối visa diện hôn thê cách đây 10 năm, mình đã khai đầy đủ và explain. nhưng ở câu hỏi kế tiếp “Has anyone ever filed an immigrant petition on your behalf with the United State Citizenship and Immigration Services?” thì mình ghi là NO. vậy có phải là bị conflict với câu hỏi bị từ chối visa k bạn? Mình chỉ nghĩ đơn giản là mfinh đang k có trong danh sách được bảo lãnh (hồ sơ hôn thê đã bị hủy lâu lắm rồi) nên mình chọn NO.
Bạn xem thử nếu là viên chức LSQ thì họ sẽ nghĩ sao? Mình chỉ muốn nghe ý kiến thêm để củng cố lòng tin khi đi phỏng vấn thôi. 🙂 cảm ơn ban.
1. Ghi tên lót vắn tắt chuyện nhỏ!
2. Không ghi rõ công việc thì khi phỏng vấn làm giảm cơ hội lấy visa của mình hơn…
3. Ghi No vậy họ vẫn biết mình nhầm lẫn hơn là gian dối. Mấy chuyện đó nhỏ, chủ yếu là họ xem xét mình hiện tại có đủ làm họ tin là sẽ đi Mỹ xong rồi về lại VN không mới quan trọng. Nói chung là hoàn cảnh hiện tại quyết định mọi điều, có công ăn việc làm ra sao, có hay du lịch ngoại quốc không, có tài sản nhiều không, có chồng chưa, có con chưa…
Cảm ơn bạn nhé. mình phỏng vấn 19/9 và đã được duyệt visa nhưng ông ấy nói qua tuần sẽ gửi về cho mình. vậy mà hết hôm nay mình vẫn chưa nhân được. hồ sơ mình có ghi ngày mình khởi hành là 30/9, không biết họ có gửi visa về cho mình trước thời điểm đó không nhỉ? vì đã được duyệt visa nên mình đã xuất vé máy bay. Giờ hơi bị hồi hộp vì chờ lâu quá. Thường mình biết chỉ khoảng 2 ngày thôi. nhưng NVLS đã nói trước là qua tuần nên mình cũng đợi đến hôm nay, vậy mà giờ này chưa thấy. thứ 6 là bay rồi. Bạn có biết trường hợp nào như vậy không?
Qua tuần thì chiều nay visa tới thôi nhưng có cần phải gấp dữ vậy không???
Cầm visa trong rồi mua vé máy bay trễ mấy ngày không được ah?
Sao vậy người???
Trễ bao ngày tháng rồi trễ thêm mấy ngày không được ah?
Nước Mỹ còn đó mà!
Chán đời!
Chào anh.
Mình tên Huy hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật được 5 năm. Mình định 2-3 tuần nữa là apply visa Mỹ tại Nhật, mọi thứ đã chuẩn bị gần xong, nhưng có vài điều mình chưa biết rõ lắm nhờ anh chỉ giúp mình với.
Cuối tháng 4 mình sẽ nghỉ việc, nếu đậu visa Mỹ mình sẽ đi từ giữa tháng 5 và lang thang bên đó khoảng 1-2 tháng ( gỉ sử cục di trú cấp 6 tháng) sau đó xuống Mexico. Nhưng khi phỏng vấn thì mình chỉ nói đi 2 tuần sẽ quay lại làm việc tiếp—-> vậy mình quay về đúng hẹn mà đi thẳng xuống Mexico hay trung mỹ luôn, vậy nhân viên lãnh sự quán có call về công ty của mình để kiểm tra là mình về chưa hay không? có vấn đề rắc rồi sau này khi nhập cảnh lại không (đây là lần nhập cảnh đầu tiên, nếu đậu)?
Mình có hỏi bà chị bán vé máy bay, nội dung là nhờ đặt chỗ 2 chiều để phỏng vấn, nếu đậu thì chỉ dùng 1 chiều và ko quay lại vì xuống Mexico. Nhưng chị ấy bảo là cục di trú có quyền từ chối nếu thấy sai phạm, tốt nhất là đặt 2 chiều có gì thì bỏ luôn chiều về—->Sự thật có phải vậy không bạn?
Thân chào anh. Hoàng Huy
@Huy
Đi Mexico làm gì?
90% chuyến bay từ Mexico về Việt Nam đều quá cảnh sân bay Mỹ nha.
@duongdoimuonloi
Chào anh.
Mình định đi chơi vài tháng ở trung và nam mỹ. Nên mới tính đi từ nước Mỹ xuống anh ạ.
Sau khi đi Nam Mỹ xong thì sẽ thế nào?
Về lại VN hay quay lại Mỹ?
Nếu vô Mỹ mà chứng minh được sẽ đi Nam Mỹ thì họ sẽ cho vô.
Hay nhất vẫn là vô Mỹ transit rồi đi Nam Mỹ trước, khi về rồi mới vô Mỹ du lịch.
Nhắc lại là từ Nam Mỹ bay về VN 90% các chuyến bay là quá cảnh những phi trường Mỹ.
Bay qua ngả Châu Âu vé mắc và bay dài hơn và cũng khó mua vé hơn vì ít chuyến hơn bay qua ngả Mỹ.
Vé VN đi Mỹ 1 chiều giá cũng gần bằng 2 chiều nha, không rẻ hơn bao nhiêu đâu, cỡ $200 ah.
Chào anh. Cám ơn anh đã hồi âm.
Sau khi đi Nam Mỹ xong mình sẽ quay lại Việt Nam. Mình đi từ Nhật anh ạ.
Vì mình có đọc thông 1 số nước trung nam Mỹ miễn visa cho người có visa USA cụ thể là Mexico và vì mình có hẹn với 1 group bên US để road trip nữa.
Vậy lịch mình apply 2 tuần nhưng vào nhập cảnh mình khai 5 tuần vẫn ok phải không anh? và mình cứ book vé 1 chiều từ Nhật sang Mỹ bình thường?
Vấn đề là muốn chắc ăn thì cứ phải chứng minh được sẽ ra khỏi Mỹ.
Vé bay về VN là một sự chứng minh sẽ ra khỏi Mỹ.
Nói chưa về VN ngay mà đi Mexico thì phải chứng minh được đi Mexico
Đi máy bay thì có vé máy bay.
Đi đường bộ thì có Booking khách sạn, Bản kế hoạch đi chi tiết
Sau Mexico đi nước nào? Nước nào cần visa thì phải có visa nước đó… Sau Mexico đi máy bay tới đâu? Có vé chưa?
Đại để kỹ thì vậy phòng bất trắc Mỹ nghi ngờ không cho vào chứ nếu đi du lịch nhiều nước có dấu trong Passport thì không đến nỗi gì.
Nhưng mà thực tế nhiều người vô Mỹ không chứng minh được sẽ ra khỏi Mỹ thì vẫn có người bị từ chối không cho vô, mất công lắm ah!
Apply 2 tuần thì nói vô 2 tuần thôi, nói tao nghỉ ngơi mấy ngày rồi sẽ cùng bạn đi Mexico. Phòng trường hợp người ta muons gọi cho bạn để xác minh thì dặn bạn trước rồi lấy số của bạn sẵn để đưa cho họ… Vô được trong Mỹ rồi sẽ không ai thắc mắc mấy nếu đừng ở Mỹ lâu tới 3 tháng hoặc 5 tháng…
Chào anh.
Mình đã trượt visa ở lần phỏng vấn cách nay 3 tuần.
Mình có chút thắc mắc về dòng National Identification Number trong đơn ds160. Đối với những người ở Việt Nam thì điền số chứng minh nhân dân. Hiện tai mình đang sống và làm việc ở Nhật thì nên điền Japan residence card number phải không anh?
Mình có chứng minh đầy đủ giấy tờ rời khỏi Mỹ, cũng như book phòng ở mexico rồi. Nhưng chưa biết nguyên vì sao rớt visa Mỹ.
Nhờ anh giải đáp giúp. Thân chào và cám ơn anh nhiều.
Có số CMND thì điền vô. Số CMND đâu rồi?
Trước thì mình điền số CMND, không phải lý do đó nó rớt không, mình đã có visa Korea, tuy nhiên trong mục National Identification Number thì nó bắt điền Japan residence card number vì vậy làm mình cảm thấy khó hiểu.
Nếu nó yêu cầu điền vậy thì mình điền theo yêu cầu. Thực ra cũng chỉ là để nhận diện nhân thân thôi. Rớt visa là do họ nghĩ mình đi Mỹ không chịu về nữa…
Vâng mình cám ơn anh nhiều.
Chúc anh khỏe. Thân chào anh.
Dear anh Hồng,
Cám ơn anh về bài viết rất chi tiết và hữu ích.
Mẹ em có mở hồ sơ bảo lãnh cho em và con gái em vào năm 2014, theo dạng F2B mẹ có thẻ xanh lãnh con độc thân.
Năm 2015 em đã có xin được visa Mỹ dạng đi công tác (lần đầu bị rớt, lần 2 thì được cấp) và trở về VN sau 2 tuần.
Giờ em muốn xin cho con em đi qua đó chơi hè, em tự điền hồ sơ online mà không biết nên trả lời câu hỏi này thế nào? Anh cho em hỏi trường hợp của em nên trả lời câu hỏi này như thế nào nhé: “Has anyone ever filed an immigrant petition on your behalf with the United States Citizenship and Immigration Services?”. Nên trả lời “YES” hay “NO”.
Chọn “YES” thì sẽ có thêm phần explain nữa.
Em cám ơn anh nhiều.
Hồng Anh.
Trả lời Yes ah.
Có gì trả lời nấy thôi không sao.
Nói bé đã chăm học cho bé đi chơi hè mấy bữa rồi về…
Họ cho thì đi không cho thì thôi ah.
Mình nói có mẹ mở hồ sơ bảo lãnh.
Họ hỏi thì ghi tên mẹ, ngày tháng năm nộp hồ sơ…
Hồ sơ kết quả ra sao: Đang Pending.
Dạ, em cảm ơn anh nhiều